Có thể nói, ngành dây và cáp điện Việt Nam khá chủ động trong việc sản xuất nguyên liệu, thành phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song, trước tình hình giá đồng nguyên liệu luôn biến động, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đang ở tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Dự báo nguồn cung đồng có thể rơi xuống mức thấp chưa từng có của Bank of America Merrill Lynch cho thấy viễn cảnh không mấy tươi sáng.
Cạnh tranh nội địa: Mạnh sống, yếu chết
Sau một năm tăng trưởng âm, các DN trong ngành dây và cáp điện Việt Nam kỳ vọng hơn vào sự hồi phục và tăng trưởng trong năm 2010. Bên cạnh các “đại gia” trong ngành kinh doanh khá tốt cũng có không ít DN nhỏ phải tự “bơi” về mọi mặt.
Để tồn tại, các DN này còn sử dụng đến cả biện pháp tình thế: giảm chất lượng sản phẩm, tăng trị giá thành phẩm, đổ lỗi do nguyên liệu đồng, nhựa tăng giá, khan hàng khiến giá dây và cáp điện liên tục bị “đội lên”.
Thực tế cho thấy, trong khi các DN lớn luôn dành kinh phí để đầu tư cho chiến lược thương hiệu, thì các DN nhỏ lại ít chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu.
Hiện các DN trong ngành đang mạnh ai nấy làm, nên khó có thể đánh giá được sự quan tâm của khách hàng. Sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào phản ứng của thị trường, nên ngày càng có nhiều hàng giả, hàng nhái xuất hiện, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, vô tình làm khách hàng cảm thấy bất an.
Kết quả của cuộc khảo sát thị trường dây điện do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện cho thấy, đến 75% số mẫu không đạt chất lượng là một minh chứng.
Giá nguyên liệu đồng tăng cao trong những tháng cuối năm 2010 đã gây nhiều khó khăn hơn cho các DN trong ngành, kể cả những DN lớn chuyên sản suất loại nguyên liệu này.
Ông Huỳnh Ngọc Sắc, Phó giám đốc Công ty Đồng Việt Nam, cho biết:
“Hiện tại Công ty sản xuất đồng và xuất khẩu cho một số khu chế xuất. Tuy nhiên, thị phần này chỉ chiếm 40%, còn 60% là dành cho nội địa. Thực trạng giá nguyên liệu đồng tăng cao vào dịp cuối năm đã làm lượng nguyên liệu tiêu thụ có phần gia giảm khoảng 20 - 30% so với các quý trước.
Khó khăn trước mắt là nguyên liệu thô phải mua bằng USD, nhưng hàng hóa thành phẩm phân phối trong nội địa hoặc xuất khẩu thì chúng tôi lại phải thu bằng VND, trong khi tỷ giá giữa USD và VND ít khi nào ổn định”.
Ông Lương Công Huỳnh, Tổng thư ký Hội Dây và Cáp điện cho biết, hiện các DN trong Hội chỉ gặp khó khăn về giá đồng nguyên liệu, nên việc tiêu thụ hàng hóa trong nước hơi bị chùn lại chứ đây hoàn toàn không phải là trở lực của toàn ngành vào dịp cuối năm qua. Cụ thể, tính sơ bộ, xuất khẩu năm 2010 cũng đạt được 140 triệu USD.
Viễn cảnh xuất ngoại ít khả quan
Kim ngạch xuất khẩu dây và cáp điện của Việt Nam sang các thị trường trong bảy tháng đầu năm đạt 716,8 triệu USD, tăng 82% so với bảy tháng đầu năm 2009; riêng kim ngạch xuất khẩu của tháng Bảy đạt 117,2 triệu USD, tăng 8,1% so với tháng Sáu
Thế nhưng, vào những tháng cuối năm, giá đồng nguyên liệu tăng mạnh đã khiến nhiều DN tham gia xuất khẩu trở nên dè dặt. Ông Trương Vỹ Kiến, Tổng giám đốc Công ty Dây và Cáp điện Tân Cường Thành cho biết:
“Trước đây chúng tôi xuất khẩu khoảng 20 - 30 triệu USD/năm, tương đương vài chục container hàng hóa/tháng.
Nhưng hiện tại, giá đồng tăng cao đến 40% làm lượng sản xuất giảm chỉ còn từ 3 - 4 container, tương đương vài chục tấn (khoảng 8 tấn hàng hóa/container), mặc dù chúng tôi không lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu vì đã có nhà máy luyện và tạo đồng nguyên liệu”.
Cũng theo ông Kiến, không dễ nhận biết đâu là thị trường tiềm năng. Cụ thể, nếu DN trúng thầu thì 30 ngày sau mới tiến hành thực hiện gói thầu, mà với tình hình giá cả biến động như hiện nay thì rất khó tính toán.
Sản phẩm quyết định sự phát triển của ngành dây và cáp điện là sản phẩm công nghiệp, dây cáp dùng làm đường dây dẫn trong các tòa nhà cao tầng, chứ không phải phục vụ cho công nghiệp ô tô.
Theo ông Sắc, dây và cáp điện là mặt hàng không nhận được bất kỳ sự ưu đãi nào từ phía Nhà nước, do đó, nếu tỷ giá liên tục tăng nhanh thì trong một tương lai không xa có thể sẽ dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất.
Hiện Nhà nước đang tiến hành thắt chặt tài chính, thế nên, Tết năm nay nhiều DN trong ngành cáp điện cũng còn gặp nhiều khó khăn. Điều cần thiết nhất hiện nay là Nhà nước nên chuẩn bị một nguồn ngoại tệ ổn định để có được biện pháp hiệu chỉnh giá.
Cùng với đó là có thể hỗ trợ DN bằng cách giảm thuế GTGT cho mặt hàng này. Trước mắt, DN trong ngành đang chờ thị trường nguyên vật liệu sẽ “dễ thở” hơn.
Theo vics.vn