Với nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao về việc đưa điện lưới quốc gia về đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo xa xôi là hành trình đầy gian nan, vất vả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng cũng hết sức đáng tự hào. Đối với các dự án có ý nghĩa chính trị xã hội để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân, EVN cũng chịu không ít áp lực về cân đối hiệu quả kinh tế. Nhưng xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, những năm qua, EVN luôn nâng cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện thành công nhiều dự án đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo. Dòng điện đã đánh thức tiềm năng của các địa phương và góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.
Trong điều kiện của nước đang phát triển, phải đối diện với rất nhiều rào cản về công nghệ, nguồn vốn, trình độ quản lý, tỷ lệ 100% số xã có điện, hơn 99,47% số hộ dân có điện, trong đó có 99,18% số hộ nông dân có điện, đây có thể xem như là một thành quả “thần kỳ” dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và đặc biệt là việc thực thi nhiệm vụ của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo của Việt Nam là thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được.
Ánh điện đã đến khắp vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Tổ quốc
Điện vượt núi cao, sóng xa, thắp sáng mọi miền Tổ quốc
Trở lại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai hôm nay, chúng ta không còn thấy bóng dáng của vùng miền núi nghèo xác xơ. Những đêm ở Phìn Ngan cũng bớt tối tăm, cô quạnh hơn, bởi thấy ánh điện bừng sáng ở đâu đó dọc đường, hay trong những ngôi nhà có tiếng râm ran của những chiếc đài, chiếc ti vi, tiếng của máy xay xát đang chạy ro ro.
Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, ông Tần Láo Tả hồ hởi cho biết: Cuối năm 2007, điện đã về với các thôn bản của xã Phìn Ngan. Tất cả người dân trong xã vỡ òa trong niềm vui sướng, bởi ước mong có điện từ bao đời nay đã trở thành hiện thực. Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của hơn 600 hộ dân sinh sống với hơn 2.500 nhân khẩu là người dân tộc Dao đã từng bước được nâng cao. Điện về, không chỉ mang theo ánh sáng văn hóa, các thông tin thời sự được cập nhật tốt hơn, mà có điện người dân có thể thay đổi tập quán sản xuất. “Nhiều bà con xã Phìn Ngan đã thực sự thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, xay xát, sản xuất gạch không nung được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân"- ông Tần Láo Tả cho biết.
Nhiều năm qua, theo chân người thợ điện, vượt qua những con đường dốc đứng, chông chênh, gập ghềnh điện đã về thắp sáng khắp các thôn, bản hẻo lánh xa xôi của tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Đắc Nông, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang…
Điện không chỉ về với núi mà còn vượt sóng, vươn xa ra hải đảo. Bắt đầu từ đảo Cát Hải (Hải Phòng) vào năm 1991, hành trình vượt sóng đưa điện ra đảo của EVN đã đến với các huyện đảo của mọi miền Tổ quốc như Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)... Đến nay, 11/12 huyện đảo, 100% số xã đảo trên toàn quốc đã có điện.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay, mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí số 4 về Nông thôn mới, tăng gần 46% so với năm 2010. Số hộ dân có điện sử dụng điện tăng từ 97,31% tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ (6-2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29% tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18% tương ứng 16,98 triệu hộ (6-2019).
Việc đầu tư phát triển điện khí hóa nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, mười năm trước đây, ở nhiều vùng nông thôn hệ thống lưới điện ở tình trạng xập xệ cột tre, cột gỗ, dây dẫn nhỏ, chắp vá, tới nay sau khi được ngành điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo nâng cấp, lưới điện đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định và an toàn. Cùng với đó, trước đây có nhiều mô hình quản lý điện nông thôn không đủ khả năng chuyên môn nghiệp vụ như Ban điện xã, Tổ điện dân lập, tư nhân đầu tư,…thì tới nay đã có trên 92% xã do ngành điện quản lý bán điện trực tiếp. Theo đó, người dân được mua điện theo đúng giá quy định của Chính phủ và hưởng các dịch vụ điện trực tiếp do ngành điện cung cấp. “Từ chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn, người dân nông thôn có điều kiện áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”- ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Giai đoạn trước đây khi nhiều huyện đảo vẫn chưa có điện lưới quốc gia, trước khi EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp cho các đảo, người dân trên các đảo chỉ được cấp điện một số giờ trong ngày, từ các nguồn phát diesel. Công suất các nguồn điện cấp chủ yếu chỉ để phục vụ chiếu sáng và những sinh hoạt cần thiết tối thiểu của người dân. Sau khi được EVN tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp, người dân trên đảo đã được cấp điện 24/24h. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là người dân được hưởng giá điện thống nhất trên toàn quốc, không phải chịu giá điện cao như trước đây (4.000 đồng/kWh - 6.000 đồng/kWh).
Kỳ tích ngành Điện
EVN được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đẩy mạnh điện khí hoá nông thôn, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức, EVN đã nỗ lực cố gắng và hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao. EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo cung cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo nâng cao chất lượng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân nông thôn.
Hành trình điện khí hóa nông thôn của EVN cũng được không ít chuyên gia quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ông Ousmane Dione cho rằng, điện khí hóa nông thôn của Việt Nam là một kỳ tích. Tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới hơn 99% vào năm 2018. Như vậy trong vòng 25 năm, đã có thêm hơn 14 triệu hộ gia đình hay 60 triệu người dân đã được hoà lưới điện quốc gia. “Việt Nam là một câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong một vài thập kỷ vừa qua”- ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, trong thời gian qua, với tiêu chí “Điện lực đến với khách hàng”; “Khách hàng là trung tâm mọi hoạt động”, EVN đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ điện, dịch vụ khách hàng. Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN nhấn mạnh khách hàng trên mọi miền đất nước, bao gồm cả người dân ở khu vực nông thôn, đều được EVN phục vụ, chăm sóc 24/7 qua các trung tâm chăm sóc khách hàng. Hiện nay, nhờ sự đổi mới trong tư duy phục vụ và sự hỗ trợ của công nghệ, người dân ở nông thôn hay thành thị, đều có thể tiếp cận và sử dụng những dịch vụ điện của EVN theo cách thuận tiện nhất, minh bạch nhất, với chất lượng tốt nhất.
Nhìn lại chặng đường bền bỉ đưa điện thắp sáng đến những nơi xa xôi nhất, ông Lê Thành Chung - Trưởng ban Quản lý đầu tư EVN cho biết: Điện khí hóa nông thôn luôn là vấn đề có nhiều thách thức đối với EVN. Thực tế tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bà con sống thưa thớt, có dự án kéo điện cả chục km chỉ cho vài chục hộ sử dụng. Hoá đơn tiền điện/hộ gia đình nhiều khi chưa tới 20.000 đồng, mà để thu được tiền nhân viên điện lực phải đi nửa ngày mới tới nơi, thì việc cân đối hiệu quả kinh tế với ngành điện thật khó khăn. “Đưa điện đến những vùng phụ tải không tập trung, sản lượng điện tiêu thụ thấp, suất đầu tư xây dựng lưới điện cao… đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh doanh cầm chắc là không thể hiệu quả”- ông Chung bày tỏ.
Nhưng điện về mang theo nhiều ánh sáng văn hóa, giải phóng sức lao động. Điện đã góp phần để các địa phương phát huy các tiềm năng kinh tế trong du lịch, thương mại, nhiều DN đã đến đầu tư công nghiệp, dịch vụ …. giúp người dân tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Nhiều nhà đã có tivi, tủ lạnh, internet và cuộc sống đã nhờ thế khá hơn nhiều. Đặc biệt, điện là yếu tố không thể thiếu để phát triển các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề biển, hệ thống thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn trong chiến lược phát triển kinh tế biển, gắn kết với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng. Có điện đã mang đến sự thay đổi toàn diện bộ mặt của các vùng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Những hiệu quả xã hội này không thể đo đếm đơn thuần bằng tiền. Chính vì vậy, những năm qua, EVN luôn đặt mục tiêu an sinh xã hội lên trên lợi ích doanh nghiệp, nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó”.
(evn.com.vn)
Tin liên quan
Với chúng tôi
Liên hệ đặt hàng, hoặc gặp vấn đề về sản phẩm. Hãy gọi cho chúng tôi
Chúng tôi đã và đang hợp tác cùng
Công ty Cổ phần Đông Giang
(Thành viên của Ngọc Khánh Group)
GPKD số 0900220897 do Sở KH và ĐT tỉnh Hưng Yên cấp ngày 19/12/2003
GĐ/Sở hữu website Vũ Quang Khánh
Địa Chỉ Nhà máy: Khu công nghiệp Phố Nối A - Xã Trưng Trắc - Huyện Văn Lâm - Hưng Yên
VPGD: Tầng 8, Toà nhà NK Group, số 37 Nguyễn Sơn, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 0243.827.1389 / 0973.318.335
Email: pkd.goldcup@donggiang.vn
Website: goldcup.com.vn - ngockhanh.vn