Tuy là nhóm hàng chỉ xếp thứ 24 trong bảng xếp loại, nhưng 6 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu dây điện và dây cáp điện sang thị trường Anh tăng đột biến, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ 2017.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Anh trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 14% so với cùng kỳ 2017, đạt 2,7 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm 2017, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhìn chung là vẫn duy trì được thị phần và kim ngạch, trong đó điện thoại các loại và linh kiện vẫn là nhóm hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn 39,6% đạt trên 1 tỷ USD, tăng 26,06%. Đứng thứ hai là hàng dệt may, chiếm 12,7% tỷ trọng đạt 347,7 triệu USD, tăng 4,5%. Đối vối mặt hàng giày dép, kim ngạch có suy giảm nhẹ 2,68% tương ứng với 324,7 triệu USD.
Ngoài những nhóm hàng kể trên, Anh còn nhập từ Việt Nam các nhóm hàng thủy sản, máy móc thiết bị, máy vi tính, sắt thép, rau quả…
Nhìn chung, 6 tháng dầu năm 2018 hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Anh phần lớn đều có kim ngạch tăng trưởng số nhóm hàng này chiếm 82,1% và ngược lại chỉ chiếm 17,1%.
Đặc biệt, nhóm hàng dây điện và dây cáp điện tăng đột biến gấp 4,3 lần (tức tăng 335,76%) tuy kim ngạch chỉ đạt 3,7 triệu USD. Bên cạnh đó mặt hàng sắt thép và đá quý kim loại quý cũng có tốc độ tăng mạnh, tăng lần lượt gấp 2,3 lần (138,25%) và 2,1 lần (114,58%), kim ngạch tương ứng 40,2 triệu USD; 1,9 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, nhóm hàng hạt tiêu, sản phẩm gốm sứ và hàng rau quả giảm mạnh, giảm lần lượt 40,22%; 26,25% và 17,30% tương ứng với 9,6 triệu USD; 11,2 triệu USD và 2,7 triệu USD.
Đáng chú ý, đối với nhóm hàng thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm, theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Anh là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 3 trong khối EU sau Tây Ban Nha và Pháp. Anh nhập khẩu tôm chủ yếu để tiêu thụ trong nước. Trong 3 năm trở lại đây, Anh là đích đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Anh nhập khẩu trung bình khoảng 900 triệu USD tôm mỗi năm. Trong 10 năm (2008-2017), nhập khẩu tôm của Anh giai đoạn từ 2014 đến nay tăng mạnh hơn giai đoạn từ 2014 trở về trước.
Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Anh, chiếm 24% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Anh. Ấn Độ đứng thứ hai chiếm 17%. Trong số các nguồn cung tôm chính cho thị trường này, nhập khẩu tôm của Anh từ Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan tăng lần lượt 61%, 26%, 36% trong khi nhập khẩu từ Bangladesh và Indonesia giảm lần lượt 53% và 35%, nhập khẩu tôm nước lạnh từ Canada vào Anh cũng giảm 3%.
Có thể nói, Anh là một thị trường đáng lưu tâm của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong khối EU vì doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế GSP giống như quy định chung trong xuất khẩu sang EU. Anh là thị trường có mức sống cao nên người tiêu dùng nước này không chỉ lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, tiện lợi mà còn chú ý đến tiêu chí bền vững của sản phẩm. Do vậy, Vasep khuyến nghị, các doanh nghiệp nên lưu ý tiêu chí này để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Theo vinanet.vn